Thông tin kỹ thuật T-90

Có cảm hứng từ T-72, chiếc GPO Uralvagonzavod T-90 là loại tăng hiện đại nhất của quân đội Nga trong giai đoạn 1990-2015. Về hình dáng quy ước bên ngoài, T-90 có thể hiện sự nâng cấp ở mọi hệ thống, gồm cả pháo chính. Lớp bảo vệ thân và tháp pháo cũng hoàn toàn là thế hệ mới. Có thể nói T-90 là một nỗ lực lớn nhằm cải thiện các tính năng của dòng T-72 sao cho vượt tầm của T-80, tuy nhiên về tính cơ động cho đến nay dòng T-80 vẫn hơn.

Hệ thống điều khiển hỏa lực

So với T-72B, T-90 có hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại hơn. Ngay từ các phiên bản đầu tiên, nó đã được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực 1A45 "Irtysh" (đã được sử dụng trên T-80U/UD), bao gồm máy tính đạn đạo, máy đo xa laser cùng kính nhìn đêm của pháo thủ cho phép T-90 chiến đấu hiệu quả với các mục tiêu di động và chiến đấu vào buổi đêm. Hệ thống bao gồm:

  • Tổ hợp ngắm ban ngày tự động tính toán thông tin 1A43, gồm thiết bị ngắm và đo xa laser 1G46 để ngắm và điều khiển vũ khí, bao gồm hệ thống kinh ngắm quang học kiểu tiềm vọng với độ khuếch đại từ 2,7x đến 12x, thiết bị đo xa laser có phạm vi từ 400m đến 5000m, hệ thống ổn định tầm hướng, hệ thống điều khiển tên lửa ПТУР (chiếu xạ laser). Trong hệ thống 1G46 có lắp đặt thiết bị kiểm tra vũ khí đồng trục với kính ngắm không cần phải ra khỏi xe – thời gian kiểm tra đến 1 phút.
  • Tổ hợp các cảm biến thông tin phục vụ cho máy tính quỹ đạo đường đạn (cảm biến vị trí pháo, tốc độ gió, tốc độ xe tăng và góc của hướng xe so với mục tiêu);
  • Máy tính quỹ đạo đường đạn 1V528-1 tự động tính toán góc bắn tầm hướng cho pháo và giữ cho pháo ở vị trí ổn định với góc bắn đã được tính toán, máy tính đường đạn tính toán tất cả các thông số liên quan đến góc bắn của pháo, đồng thời còn thực hiện nhiệm vụ khóa súng và cho phép khai hỏa.
  • Hệ thống ổn định tầm hướng 2E42-4 Zasmin (2Э42-4) sử dụng thiết bị nâng hạ thủy lực – điện, cho phép ngắm chính xác mục tiêu khi xe đang di chuyển, đồng thời tăng tốc độ ngắm bắn.
T-90A khai hỏa khi đang di chuyển, năm 2012.

Trong một cuộc trình diễn vào thập niên 1990, một chiếc T-90 đã phóng tên lửa đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 4 km. Sau đó, nó di chuyển với tốc độ 25 km/h, bắn trúng 7 mục tiêu xe bọc thép ở cự ly 1.500-2.500 mét, tất cả chỉ diễn ra trong vòng 54 giây (tức là chỉ cần chưa đầy 8 giây để ngắm bắn chính xác 1 mục tiêu mới ở cự ly khá xa, trong khi xe đang di chuyển)[32] Trong cùng điều kiện và thời gian, xe tăng Leopard 2 của Đức bắn trúng 6 mục tiêu, và M1 Abrams của Mỹ bắn trúng 5 mục tiêu[33].

Mẫu đầu tiên của T-90 (năm 1992) được trang bị hệ thống nhìn toàn cảnh PNK-4S/AGAT-S dành cho xa trưởng (hệ thống này được dùng trên T-80U từ giữa thập niên 1980), có khả năng phát hiện xe tăng trong tầm khoảng 800-1.300 mét vào ban ngày và 700 mét vào ban đêm (hoặc đạt tới 1.200 mét vào đêm trăng sáng). Trong điều kiện ban ngày, độ khuếch đại của kính ngắm đến 7,5х, trong chế độ ngắm đêm độ khuếch đại là 5,1х. Hệ thống PNK-4S được cho là còn vượt trội hơn các hệ thống nhìn toàn cảnh cho xa trưởng tốt nhất trên xe tăng NATO vào cuối thập niên 1980, như là PERI-R17 trên xe tăng Leopard 2: cả hai đều kết nối trực tiếp với máy tính đạn đạo của xe tăng, cho phép xa trưởng chiếm quyền điều khiển pháo để thực hiện chức năng "Hunter-Killer", tuy nhiên PNK-4S có khả năng nhìn đêm mà PERI-R17 không có (phải tới năm 1998 thì Leopard 2 mới được trang bị hệ thống PERI-R17A2 có khả năng nhìn đêm)[34]

Từ năm 2012, các phiên bản hiện đại hóa dành riêng cho quân đội Nga (như T-90M) đã thay thế PNK-4S/AGAT-S bằng hệ thống mới hơn là T01-K04DT/AGAT-MDT do hãng Krasnogorsky Zavod sản xuất. Nhờ thay thế thiết vị khuếch đại ánh sáng bằng thiết bị ảnh nhiệt mới, AGAT-MDT có tầm phát hiện mục tiêu cỡ xe tăng ở cự ly lên tới 3.500 - 4.000 mét[35][36], một tùy chọn cho phép AGAT-MDT nâng cự ly phát hiện xe tăng lên tới 5.000 mét cũng đã có sẵn[37]

Ảnh chụp bên trong T-90A của Nga: kính ngắm ở phía trước ghế ngồi của pháo thủ, bên cạnh là bệ pháo màu vàng

Đối với xạ thủ, hệ thống nhìn đêm T01-K01 BURAN với thước ngắm ban đêm TPN-4-49 “Buran PA” có thể phát hiện xe tăng trong tầm khoảng 1.200 mét với chế độ thụ động, hoặc đến 1.500 mét trong chế độ chủ động (được chiếu bởi đèn hồng ngoại của hệ thống TSU-1 Shtora-1). Độ khuếch đại là 6.8х, trường nhìn 5.25 độ[38][39]. Năm 2005, phiên bản T-90A được giới thiệu với kính ngắm mới T01-K05 Buran-M, có thể phát hiện xe tăng trong tầm khoảng từ 1.800 mét. Một số mẫu T-90 cải tiến đã được thử nghiệm sử dụng hệ thống nhìn đêm hiện đại hơn là thiết bị ảnh nhiệt T01-P02T “Agava-2” (hệ thống này được lắp trên T-80UK từ năm 1990), có thể xác định các mục tiêu có kích cỡ xe tăng ở cự ly khoảng 2.600 mét, tuy nhiên Agava-2 có giá thành khá cao (khoảng 250.000 USD thời giá năm 1990) nên Nga không lắp đại trà cho T-90.

Các mẫu T-90 sản xuất từ năm 2009 về sau (ví dụ T-90A, T-90S) đã thay thế T01-K05 Buran-M bằng hệ thống nhìn hồng ngoại ESSA, với camera ảnh nhiệt thế hệ 2 CATHERINE-FC sản xuất bởi Thales Optronique, cho phép phát hiện mục tiêu là xe tăng trong khoảng 10.500 mét vào ban ngày và khoảng 2.200 mét vào ban đêm (một tùy chọn cho phép nâng cự ly phát hiện ban đêm lên 3.300 mét)[40]. Vào tháng 8 năm 2007, khoảng 100 camera loại này đã được Nga nhập từ Pháp[41] và đến năm 2010 Nga đã mua bản quyền hệ thống Catherine-FC để tự sản xuất và trang bị cho dòng xe tăng T-90[42]. Năm 2012, Nga tiếp tục mua bản quyền sản xuất hệ thống ảnh nhiệt thế hệ 3 là CATHERINE-XP[43] So với CATHERINE-FC, nó nhỏ gọn hơn, tiết kiệm năng lượng hơn và có trường nhìn rộng hơn, cho phép phát hiện mục tiêu là xe tăng ở cự ly khoảng 4.600 mét vào ban đêm[44] Tuy nhiên kể từ năm 2016, để tránh phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu, T-90 các phiên bản dành riêng cho quân đội Nga (T-90AM, T-90M) đã chuyển sang sử dụng hệ thống kính ngắm ảnh nhiệt nội địa là "IRBIS-K" do hãng Krasnogorsky Zavod sản xuất, nó có cự ly phát hiện xe tăng đối phương là khoảng 3.240 - 4.000 mét. Nhìn chung, IRBIS-K có tính năng tương đương hoặc nhỉnh hơn so với hệ thống ngắm bắn ảnh nhiệt trên hầu hết các xe tăng hiện đại của phương Tây (ở thời điểm năm 2016, chỉ có rất ít xe tăng phương Tây có hệ thống ngắm bắn ảnh nhiệt thế hệ 3 tiên tiến hơn).

T-90 đời đầu cũng được trang bị hệ thống ngắm bắn ban ngày 1G46 dành cho pháo thủ, bao gồm một thiết bị đo khoảng cách bằng laser, một kênh dẫn hướng cho tên lửa. Hệ thống cũng có khả năng phát hiện các mục tiêu có kích cỡ xe tăng trong tầm 5–8 km vào ban ngày. Các thiết bị mới hơn ở các phiên bản cải tiến (T-90A, T-90M) cho phép nâng cự ly này lên cao hơn, độ chính xác tốt hơn.

Phiên bản xuất khẩu T-90SM (ra mắt năm 2016) thì được trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực SOSNA-U do hãng Peleng (Belarus) sản xuất, bao gồm camera ảnh nhiệt thế hệ 2 CATHERINE-FC (mua bản quyền từ Pháp), kính ngắm cho pháo thủ PN-72U Sosna-U, kính ngắm toàn cảnh PKP-72 Sokolinyi Glaz tích hợp hệ thống ảnh nhiệt thế hệ ba dành cho trưởng xe. Hệ thống SOSNA-U cũng được Nga sử dụng cho phiên bản T-72 nâng cấp là T-72B3. SOSNA-U có tầm phát hiện mục tiêu cỡ xe tăng ở cự ly lên tới 2.200 mét (một tùy chọn cho phép nâng cự ly này lên gấp rưỡi, tức là 3.300 mét).

Ở phiên bản T-90 đời đầu, lái xe sử dụng thiết bị có trường nhìn rộng TNPO-168 "ТНПО-168” kèm theo hệ thống nhìn ngày và đêm TVN-5[7]. Tuy nhiên hệ thống ở thế hệ đầu tiên này có lẽ không có khả năng tương đương với các hệ thống của các đối thủ phương Tây, do vậy TVN-5 đã bị thay thế ở các phiên bản sau bằng những hệ thống tiên tiến hơn. Đầu những năm 2000, trên xe T-90 sử dụng thiết bị quan sát của lái xe tổng hợp 2 chế độ ngày và đêm TVK-2 với bộ phận chuyển hóa quang điện thế hệ 3, khả năng nhìn đêm thụ động là 400 mét.

Vũ khí

Pháo nòng trơn 125 ly 2A46M1 trưng bày tại bảo tàng nhà máy xe tăng Motovilikha. Pháo 125 ly là cỡ pháo dùng trên các xe tăng T-64, T-72, T-80 và T-90 của Nga và Liên Xô.

T-90 vẫn giữ pháo chính nòng trơn loại 125 ly 2A46, bản nâng cấp của kiếu pháo chống tăng Sprut đã từng xuất hiện trên các mẫu T-72 và T-80. Loại pháo này có một đặc điểm tiện lợi là có thể dễ dàng tháo nó ra khỏi xe tăng mà không cần phải gỡ toàn bộ tháp pháo kèm theo. Pháo của T-90 là loại 2A46-M (với T-90 đời đầu), 2A46-M2 (với T-90S) hoặc 2A46-M5 (với T-90A/AM/SM), được sản xuất bởi tổ hợp công nghiệp đa ngành Baricadur thuộc khu vực thành phố Vogagrad. Nòng pháo dài 6 mét (gấp 48 lần cỡ đạn). Góc nâng - hạ của pháo là -6 tới +13,5 độ. So với phiên bản pháo 125mm 2A46 trước đó trang bị cho T-64 và T-72, pháo 2A46-M5 có tuổi thọ nòng được nâng cao thêm (đạt 1.200 phát bắn thông thường hoặc 500 phát bắn đạn APFSDS), áp suất buồng đốt tăng lên 608 Bar để bắn được đạn APFSDS kiểu mới, độ tản mát của đạn giảm 15-20%, và độ chính xác khi bắn trong lúc di chuyển đã tăng 1,7 lần.

Phiên bản T-90M (ra mắt năm 2016) thì dự kiến dùng pháo 2A81-1M, cũng có cỡ nòng 125mm nhưng chiều dài nòng lớn hơn (7 mét so với 6 mét), giúp bắn các loại đạn xuyên giáp APFSDS kiểu mới có sức xuyên mạnh hơn, chính xác hơn khoảng 15-17%. So với pháo 120 mm L/55 của Đức (loại pháo xe tăng mạnh nhất cùng thời của phương Tây), 2A82-1M tạo ra động năng đạn mạnh hơn 17% (15,24 MJ so với 13 MJ)[45]. Theo tuyên bố của nhà sản xuất, thì sơ tốc đạn APFSDS của 2A82-1M đạt tới 2.050 m/s, cao hơn tới 20% so với con số 1.750 m/s trên pháo 120mm L/55 của Đức. Tầm bắn thẳng hiệu quả của pháo 2A82-1M đạt 4.700 mét, trong khi pháo 120mm L/55 của Đức chỉ đạt 4.000 mét[45].

Pháo chính có thể bắn đạn xuyên giáp APFSDS, phóng đạn nổ HEAT và đạn ghém HE-FRAG cũng như bom phóng hẹn giờ và tên lửa chống tăng ATGM loại 9M119 Refleks (còn được biết tới với cái tên AT-11 Sniper do NATO đặt).

Tên lửa 9M119

9M119 Refleks là tên lửa có hệ thống dẫn đường bán tự động bằng laser với một đầu nổ lõm (hollow-charge) có khả năng chọc thủng cả các mục tiêu có vỏ thép bảo vệ dày tới 950 mm và có thể bắn hạ các loại máy bay trực thăng tầm thấp.[7] Tên lửa có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly vào khoảng 100m tới 5–6 km, và có thể di chuyển tới vị trí xa nhất trong vòng 17,5 giây. 9M119 Refleks có thể hạ mục tiêu có tốc độ tối đa 70 km, tốc độ di chuyển cho phép của T-90 khi bắn tên lửa là từ 0 – 30 km/giờ.

Hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại kết hợp với 9M119 Refleks cho phép T-90 có thể tấn công và tiêu diệt các loại xe cơ giới và máy bay trực thăng trước khi những thứ này kịp tấn công lại T-90. Nó có thể vừa di chuyển với vận tốc 30 km/h vừa có thể tiêu diệt xe tăng địch từ cự ly tới 5–6 km với độ chính xác đạt trên 90%, kể cả khi xe tăng địch đang di chuyển với vận tốc 70 km/h (trong khi xe tăng dùng đạn pháo thông thường rất khó có thể bắn trúng mục tiêu di động ở khoảng cách trên 2.500 mét)[46][47]). Trong một cuộc thử nghiệm cấp Nhà nước năm 1999, 24 tên lửa 9M119 Refleks đã được T-90 bắn vào các mục tiêu trong cự ly 4–5 km và tất cả chúng đều trúng mục tiêu (tất cả những phát bắn tên lửa được thực hiện bởi các kíp lái thiếu kinh nghiệm). Trong cuộc triển lãm ở Abu Dhabi, một xạ thủ có kinh nghiệm đã bắn 52 tên lửa ở khoảng cách 5 km và tất cả các tên lửa đều trúng mục tiêu[48][49]

Chính vì vậy T-90 có tên gọi là tăng hỏa tiễn chứ không phải tăng pháo như thông thường[29]. Trong tương lai, theo thông báo tại Russian Expo Arms-2008 của ông Sergei Maev, lãnh đạo Rosoboronexport, T-90 sẽ còn được trang bị hỏa lực mạnh hơn với loại tên lửa cải tiến có tầm bắn đạt 6–7 km[29].

Về đạn xuyên giáp động năng (APFSDS), pháo 125mm 2A-46M5 có thể trang bị các loại đa dạng từ cũ tới mới, tùy theo đối tượng khách hàng đặt mua, ví dụ như: đạn 3BM-44 "Mango" lõi bằng tungsten (chế tạo năm 1986) có thể bắn xuyên 500mm thép ở cự ly 2.000 mét, mới hơn là đạn 3BM-48 "Svitnetz" lõi bằng tungsten (chế tạo năm 1991) có thể bắn xuyên 650mm thép ở cự ly 2.000 mét. Những chiếc T-90 của quân đội Nga thì được trang bị những loại đạn mới nhất như 3BM-69/70 "Vaccum" (lõi bằng uranium làm nghèo hoặc tungsten) [cần dẫn nguồn] chế tạo năm 2005, có thể xuyên thủng 800 - 900mm thép ở cự ly 2.000m[50], có khả năng chọc thủng giáp trước của các loại xe tăng hiện đại nhất của phương Tây ở thập niên 2010 như M1A2 SEP, Leopard 2A7... từ khoảng cách 1.500 tới 3.000 mét. Xem thêm: Các loại đạn của pháo nòng trơn 125mm

Giống như T-64, T-72 và T-80, hệ thống nạp đạn trên T-90 là tự động, thời gian nạp đạn là khoảng 7 - 8 giây cho 1 viên. Ổ quay của hệ thống nạp đạn tự động có thể chứa tối đa 22 viên.[7] Từ phiên bản T-90A, hệ thống nạp đạn của T-90 đã được cải tiến nhằm phù hợp với các loại đạn APFSDS mới có lõi xuyên dài hơn, thí dụ đạn APFSDS kiểu 3BM-48 hoặc 3BM-60. Trường hợp máy nạp đạn bị hỏng, xạ thủ có thể nạp đạn bằng tay với tốc độ khoảng 2 viên/phút. Ngoài ra, hệ thống kích nổ Ainet cũng được lắp đặt trên T-90, để cho phép kích nổ loại đạn ghém HE-FRAG sau khi nó bay được một đoạn đường nhất định, quãng đường này quyết định bởi hệ thống đo khoảng cách bằng laser do pháo thủ sử dụng. Hệ thống này giúp làm tăng khả năng chống bộ binh và chống trực thăng của T-90.[51]

Súng máy 12,7mm gắn trên nóc xe phiên bản T-90S có thể điều khiển từ bên trong xe,

Trang bị vũ khí thứ hai gồm một đại liên đồng trục 7,62 ly PKT và một đại liên NSV 12,7 ly để đối phó với các mục tiêu trên không và trên bộ (vào cuối thập niên 1990, NSV được thay thế bằng đại liên Kord). Đại liên phòng không được điều khiển từ xa ở trong xe, vì vậy có thể được xạ thủ ngắm bắn khi đang ngồi phía trong xe tăng mà không cần phải nhô người ra ngoài tháp pháo, giúp giảm khả năng thương vong cho xạ thủ. Súng có tốc độ bắn 650-750 viên/phút, tầm bắn xa nhất 2 km, tầm bắn hiệu quả là 1600 mét và có khả năng tấn công các mục tiêu trên không có tốc độ bay từ 100 – 300 m/s. Trên xe tăng có trang bị chừng 300 viên đạn 12,7mm cho đại liên phòng không. Đại liên đồng trục PKT hoặc PKMT cỡ 7,62 ly có khối lượng 10,5 kg, còn số đạn dược của nó là khoảng 2.000 viên (8 băng đạn với 250 viên/băng, mỗi băng đạn nặng chừng 9,5 kg). Ngoài ra T-90 còn được trang bị súng ngắn và 10 quả lựu đạn F-1 đặt ở phía trong khoang xe để tổ lái sử dụng trong trường hợp phải rời khỏi xe tăng và ra ngoài[29].[7].

Ngoài ra, kíp lái được trang bị súng tiểu liên 5,45mm AKS-74U với 15 băng đạn 30 viên, 10 lựu đạn F1 hoặc RGD, súng pháo hiệu 26mm với 12 gói.

Phiên bản T-90MS được tích hợp hệ thống ngắm bắn mới có khả năng "khóa" và tự động theo dõi mục tiêu, giúp các pháo thủ không cần phải liên tục bám theo mục tiêu khi xe tăng đang chuyển động. Thiết bị nhìn đêm ảnh nhiệt ở T-90MS cũng cung cấp những hình ảnh sắc nét hơn trong tầm 3–4 km và có khả năng phân biệt được nhiệt độ của người thường với nhiệt độ của xe tăng. T-90MS cũng sử dụng pháo chính 2A46M-5 có tuổi thọ nòng cao hơn, bắn xa hơn và chính xác hơn bản đời cũ 2A46M, cùng với hệ thống điều khiển từ xa T05BV-1 dùng cho đại liên phòng không 12,7 ly trên tháp pháo.

Phiên bản hiện đại hóa T-90M dành cho quân đội Nga (được ra mắt năm 2016) thì được trang bị pháo chính 2A82-1M có tuổi thọ nòng cao hơn, mạnh và chính xác hơn 15-20% so với pháo 2A46M5, cùng hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại giống như xe tăng T-14 Armata.

Giáp trụ

Kiểu xeLoại giáp phản ứng nổĐộ dày chống đạn động năng (mm thép)Độ dày chống đạn nổ lõm (mm thép)
T-72MKhông có335-380450-490
T-72M1Không có380-400490
T-72AKhông có360-500490-560
T-72BKontakt-1480-540900-950
T-72BKontakt-5710-800940-1180
T-90 nguyên mẫuKontakt-5800-8301150-1350
T-90A/T-90SKontakt-5890-9301.250-1.450
T-90AM/T-90SMRelict1.200-1.3001.650-1.900

T-90 có hình dáng thấp giống như những tăng thời kỳ đầu của Nga, với một tháp pháo tròn thấp nằm chính giữa thân, nó được trang bị cả hệ thống bảo vệ chủ động và bị động, biến T-90 thành chiếc tăng chiến đấu được bảo vệ tốt nhất trên thế giới. Lớp vỏ nghiêng được bao phủ bởi một lớp áo giáp bằng những viên gạch chất nổ (ERA) Kontakt-5 thế hệ hai, giống như phần tháp pháo. Lớp ERA này làm cho tháp pháo có mặt ngoài được tạo góc, với các viên gạch ERA tạo thành một bề ngoài "con trai bắt đạn" (clam shell). Các viên gạch ERA ở mái tháp pháo bảo vệ nó khỏi các vũ khí tấn công từ trên cao.

Tháp pháo của T-90S với giáp phản ứng nổ thế hệ thứ 2 Kontakt-5.T-90SM với giáp phản ứng nổ thế hệ thứ 3 Relikt.

So với T-72, dạng hình vỏ giáp bảo vệ của T-90 không có nhiều thay đổi lớn nhưng chất liệu làm vỏ giáp thì tiên tiến hơn, vì vậy khả năng bảo vệ cũng cao hơn. Vỏ giáp T-90 là giáp thế hệ thứ ba, làm bằng chất liệu tổng hợp gồm nhiều lớp kim loại và gốm, được đánh giá là một tuyệt tác của các chuyên gia quân sự Nga. Vào năm 1999, một đợt kiểm tra về vỏ giáp của T-90 đã được tiến hành với các loại đạn được thử là RPG-29, tên lửa chống tăng (ATGM) và đạn xuyên giáp động năng (APFSDS) cỡ 125mm. Theo báo cáo, ATGM và APFSDS không thể phá hủy được chiếc T-90 được trang bị thêm lớp giáp phản ứng nổ Kontakt-5. Và giáp trụ của chiếc tăng này hoàn toàn ưu việt hơn một chiếc tăng T-80U tham gia cùng buổi kiểm tra hôm đó[52]. Nhìn chung giáp trụ của T-90 hoàn toàn có thể chịu được các loại đạn pháo nòng 120mm thường thấy trên các xe tăng hiện đại phương Tây như M1 Abrams hay Leopard 2, hoặc các loại đạn pháo bắn từ trên xuống nhằm vào phần nóc xe[29].

Sức mạnh thật sự của lớp vỏ giáp T-90 vẫn còn trong vòng bí mật, nhưng theo ước tính của một số nguồn thông tin thì vỏ giáp trước tháp pháo (nơi có độ dày và chất lượng giáp tốt nhất) của T-90 đời đầu (dùng tháp pháo đúc) có độ bền tương đương 550mm thép cán (khi chống chọi với đạn động năng APFSDS) hay 650mm (khi chống đạn nổ lõm - HEAT). Khi được trang bị thêm giáp phản ứng nổ thế hệ 2 là Kontakt-5 thì thông số này tăng lên 800-830mm (chống đạn APFSDS) và 1.150-1.350mm thép (chống đạn HEAT).[53] Phiên bản T-90A và T-90S dùng tháp pháo hàn kiểu mới chắc chắn hơn tháp pháo kiểu đúc của T-90 đời đầu, nên các chỉ số này có thể tăng thêm khoảng 10-15%.

Cần lưu ý rằng phiên bản đầu tiên của Kontakt-5 (không chứa chất nổ kiểu 4S22) chỉ có thể làm giảm khoảng 20% mức độ xuyên giáp của đạn APFSDS và hầu như không hiệu quả đối với đạn nổ lõm có đầu nối tiếp (tandem). Kontakt-5 sau đó đã được hiện đại hóa (thay thế chất nổ EDS và BB bằng loại 4S22 tiên tiến hơn) để chống đạn nổ lõm tandem hiệu quả hơn. Loại Kontakt-5 cải tiến này được lắp đặt trên các T-90 loạt sản xuất từ đầu thập niên 2000 (có thể là từ phiên bản T-90S và T-90A). Kontakt-5 cải tiến đã chứng minh được tính hiệu quả của việc chống đạn nổ lõm tandem khi có những chiếc T-90 đã chịu được tên lửa TOW-2A (phiên bản TOW-2 cải tiến có đầu nổ tandem) trong cuộc xung đột vũ trang ở Syria năm 2016.

Giáp phản ứng nổ thế hệ 3 là Relikt thì khả năng bảo vệ còn được nâng cao thêm nữa với loại chất nổ 4S23 cải tiến. Relikt có thể làm giảm khoảng 40-50% mức độ xuyên giáp của đạn APFSDS và vô hiệu hóa đạn nổ lõm tandem. Phiên bản T-90AM hoặc T-90SM sử dụng loại giáp này có khả năng bảo vệ đạt tới 1.200 - 1.300mm thép (chống đạn APFSDS) và 1.650 - 1.850mm thép (chống đạn HEAT). Với mức độ bảo vệ này, giáp trước của T-90AM/SM là gần như không thể bị xuyên phá bởi hỏa lực pháo 120mm của xe tăng phương Tây dù ở cự ly rất gần.

Những khu vực khác của xe tăng như nóc tháp pháo, hai bên xe,... thì vỏ giáp mỏng hơn và khả năng bảo vệ nhìn chung yếu hơn, nhưng cũng rất khó để xuyên phá nếu chỉ sử dụng vũ khí chống tăng kiểu cũ.

Các hệ thống bảo vệ chủ động (APS)

T-90 là xe tăng đầu tiên được trang bị hệ thống đo ngăn chặn quang điện tử học TShU-1-7 Shtora-1 (tiếng Nga: Штора-1, có nghĩa là "Bức màn chắn") sản xuất bởi Elektromashina. Shtora được thiết kể để phá hoại sự chỉ định mục tiêu bằng laser và thiết bị đo xa của Tên lửa điều khiển chống tăng. Đó là một thiết bị gây nhiễu âm điện quang (electro-optical), khi hoạt động nó sẽ làm nhiễu quá trình điều khiển đường ngắm bán tự động (semiautomatic command to line of sight - SACLOS) của hệ thống định hướng của tên lửa chống tăng có điều khiển, làm nhiễu máy dò laser và máy chỉ thị mục tiêu của kẻ địch.khiến tên lửa chống tăng bắn vào T-90 bay chệch mục tiêu.

2 đèn hồng ngoại của Shtora-1 gắn 2 bên tháp pháo của T-90AT-90A của Nga khi bật đèn hồng ngoại của hệ thống Shtora-1T-90S với ống phóng đạn tạo màn khói nhằm ngụy trang cho xe tăng tránh bị đối phương ngắm bắn

Có thể nói Shtora-1 là một hệ thống tiêu diệt mềm hay hệ thống trả đũa. Nó hiệu quả nhất khi được sử dụng cùng với một hệ thống tiêu diệt cứng như Arena, tạo ra hàng phòng ngự nhiều lớp ngay từ bên ngoài xe tăng. Trong Triển lãm quốc phòng quốc tế (IDEX) được tổ chức tại Abu Dhabi năm 1995, hệ thống này lắp đặt vào một xe tăng trưng bày của Nga.[7]

Hệ thống Shtora-1 bao gồm bốn thành phần chủ yếu: trạm giao diện điện quang gồm một đài làm nhiễu âm, một thiết bị điều biến, và thanh điều khiển; một bảng làm nổ lựu đạn tạo màn khói ở mỗi bên tháp pháo; một hệ thống cảnh báo khi xe bị chiếu xạ bởi tia laser; một hệ thống kiểm soát gồm thanh kiểm soát, máy tính xử lý và thanh điều khiển bằng tay. Thiết bị này xử lý thông tin từ các cảm biến và kích hoạt hệ thống tạo màn khói. Shtora-1 có trường quan sát tới 360 độ theo chiều ngang và từ -5 đến +25 độ theo chiều dọc, nó có 12 ống phóng đạn tạo màn khói, cả hệ thống cân nặng 400 kg.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống Shtora-1 như sau: Hai đèn hồng ngoại OTShU-7-1, mỗi chiếc ở một bên của tháp pháo, liên tục phát ánh sáng hồng ngoại công suất lớn để làm giả tín hiệu hồng ngoại, khiến hệ thống điều khiển bắn của tên lửa chống tăng nhầm lẫn giữa tín hiệu tên lửa và Shtora, làm nó dẫn hướng sai khiến tên lửa bay chệch hướng. Ngoài ra, khi các cảm biến của hệ thống phát hiện xe tăng đã bị "chiếu xạ" bởi tia laser định vị thì máy tính sẽ tính toán xác định các thông số về quỹ đạo của tia laser và sẽ phát lệnh phóng các quả đạn khói về phía đó. Màn khói chỉ chưa cần tới 3 giây đã có thể hình thành và kéo dài khoảng 20 giây. Phạm vi triển khai của màn khói từ 50—70 mét. Màn khói này sẽ gây nhiễu các thiết bị chỉ định bằng laser cũng như ngụy trang cho xe tăng trước các thiết bị ngắm bắn quang học. Khi gặp màn khói này, tín hiệu điều khiển bằng laser sẽ bị nhiễu và tên lửa sẽ mất điều khiển, nó chỉ còn bay theo quán tính. Trong khi đó, xe tăng tiếp tục cơ động và di chuyển tới vị trí khác, khiến tên lửa trượt mục tiêu.[7]

Hệ thống tạo khói mù 81 mm PU kiểu 902B Tutra trên tháp pháo xe tăng (12 ống phóng), được sử dụng để tạo màn khói mù ngụy trang, gây nhiễu bức xạ laser chỉ thị mục tiêu. Đạn khói azot 3D17 – có thời gian tạo màn khói 3 giây, tầm bắn tạo màn khói 50 – 80 m, kích thước màn khói là 15 mét theo chiều cao và 10m theo chiều rộng. Với các xe T-90 không được lắp đặt thiết bị TShU-1-7 Shtora-1, loại đạn khói đơn giản hơn là 3D6M được sử dụng.

Ngoài T-90, Shtora-1 hiện còn được lắp đặt trên một số phiên bản T-72 cải tiến, T-80UK, T-80BVM. Tuy nhiên T-90S "Bhisma" của Ấn Độ và một số phiên bản xuất khẩu lại không được trang bị Shtora-1 do các nước này không đặt mua.[7]

Hệ thống phòng thủ chủ động (APS - Active Protection Systems) ARENA trên T-90 là lớp bảo vệ thứ hai của xe nếu Shtora-1 không gây nhiễu được tên lửa của địch. Arena-E được thiết kế để lắp đặt trên nhiều phương tiện chiến đấu khác nhau, có khả năng bảo vệ xe tăng trước tên lửa chống tăng, đạn chống tăng các loại với góc bảo vệ đạt tới gần 300 độ xung quanh xe (trừ hướng phía sau có bộ binh). Hệ thống gồm một radar mm lắp trên nóc tháp pháo, máy tính điều khiển và 26 đạn nổ đánh chặn chứa trong các hộp lắp xung quanh tháp pháo, cung cấp khả năng bảo vệ hữu hiệu trước đạn chống tăng có tốc độ bay đạt tới 700m/giây và thời gian phản ứng là khoảng 0,07 giây.

Nguyên tắc hoạt động của hệ thống APS ARENA là: Anten cảm biến phát hiện vũ khí chống tăng ở cự ly 50m; hệ thống máy tính thu nhận và tính toán tốc độ, quỹ đạo đường đạn cũng như góc tiếp xúc..., từ đó ra chỉ thị kích hoạt phóng đạn nổ, và tiêu diệt chúng ở cự ly cách xe từ 7-10m. Với các mục tiêu có tốc độ bay từ 50–70 m/s thường được coi là không nguy hiểm với xe tăng nên máy tính của hệ thống Arena không ra lệnh đánh chặn, chỉ những mục tiêu có vận tốc trên 70 m/s, thiết bị phóng đạn mới được kích hoạt. Khi được kích nổ, quả đạn phóng ra một luồng mảnh đạn định hướng gồm hàng nghìn mảnh nhỏ để phá hủy tên lửa hay đầu đạn của vũ khí chống tăng. Sau khi đánh chặn, chỉ từ 0,2-0,4 giây sau, xe đã có khả năng đánh chặn tiếp 1 quả đạn khác.

Mô phỏng nguyên lý hoạt động của ARENA

Phiên bản xuất khẩu của ARENA là ARENA-E, có giá khoảng 300.000 USD/hệ thống (thời giá năm 2000). Do giá khá cao nên ARENA-E không được gắn kèm T-90, khách hàng muốn trang bị thì phải chi thêm tiền để mua, do đó ít khi thấy T-90 các phiên bản xuất khẩu được gắn ARENA-E. Năm 2017, Nga tiếp tục cải tiến và cho ra mắt phiên bản hiện đại hóa là ARENA-M, có khả năng đánh chặn tốt hơn[54]

Ở phiên bản hiện đại hóa T-90M (ra mắt năm 2017), xe được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động thế hệ mới là "Afganit". Hệ thống có thể đánh chặn mục tiêu có tốc độ tới 1.700 m/s (tức là tốc độ siêu thanh Mach 5), nghĩa là có thể đánh chặn được cả đạn xuyên giáp động năng APFSDS của pháo chống tăng. Khả năng này vượt trội so với hệ thống ARENA trên T-90 (chỉ đánh chặn được mục tiêu có tốc độ khoảng 700 m/s).[55][56]

Hệ thống phòng thủ của xe tăng cũng được áp dụng công nghệ tàng hình, sử dụng các lớp sơn đặc biệt, làm bằng vật liệu hấp thụ sóng điện từ, giảm thiểu các nguồn bức xạ nhiệt, điện từ và hồng ngoại, khiến các thiết bị trinh sát của địch khó phát hiện ra. Bộ vật liệu ngụy trang Nakidka cũng có sẵn cho T-90, nó được thiết kế để giảm thiểu các loại tín hiệu mà xe tăng phát ra gồm sóng hồng ngoại, tín hiệu nhiệt, độ bộ lộ trước sóng radar.

Bên cạnh các hệ thống bảo vệ thụ động và chủ động, T-90 cũng được lắp hệ thống bảo vệ sinh-hóa-phóng xạ (NBC), thiết bị quét mìn KMT, và hệ thống chống cháy tự động. Hệ thống điện tử chống mìn EMT-7 cũng có thể được cài đặt trên T-90. EMT-7 phát ra các xung điện từ để vô hiệu hóa các loại mìn từ tính và các thiết bị nhận tín hiệu kích nổ từ xa trước khi xe tăng tiếp cận chúng.

Từ năm 2006, T-90 còn được trang bị hệ thống ngụy trang "Nakidka" để làm giảm khả năng bị đối phương phát hiện. Nakidka gồm các tấm phủ làm bằng vải quét vật liệu hấp thụ radar (RAM), cũng như làm giảm các tín hiệu hồng ngoại, ảnh nhiệt mà xe tăng phát ra (Theo NII Stali (Viện nghiên cứu khoa học về thép), Nakidka làm giảm 30% khả năng bị phát hiện bởi ống nhòm quang học, giảm 2-3 lần khả năng bị phát hiện bởi thiết bị quan sát hồng ngoại, giảm 6 lần tín hiệu radar, và giảm tín hiệu ảnh nhiệt xuống mức gần bằng môi trường xung quanh).

Trong tương lai, T-90 có thể được trang bị hệ thống thông tin thế hệ mới nhất và cơ cấu điều khiển được tự động hóa hoàn toàn để tiến tới điều khiển xe tăng từ xa[29].

Tính an toàn

T-90SM nhìn ngang với giáp phản ứng nổ che phủ tháp pháo

Giống như các loại xe tăng khác của Liên Xô trước đây, khả năng sống còn của binh sĩ trong các điều kiện trên chiến trường không phải là điểm mạnh của Т-90. Điều này trước hết là do bố trí cực kỳ phức tạp của bộ phận động cơ-truyền động, nên chỗ dành cho các khoang nhiên liệu trong đó đã không còn, chúng phải chuyển phần nào sang buồng tác chiến và một phần vào phần trước của khối này - nơi xác suất bị trúng đạn của đối phương là cao hơn đáng kể. Hơn nữa, trong khi khoang nhiên liệu với các xe tăng của Hoa Kỳ và phương Tây được bố trí trong bộ phận động cơ-truyền động và cách ly với tổ lái, các thùng nhiên liệu của T-90 thì không. Dù vậy, so sánh với các sơ đồ bố trí tương tự, độ bảo vệ của các thùng nhiên liệu trên tăng Т-90 cao hơn khi bị xạ kích từ hướng hai bên hông nhờ các tấm chắn bổ sung bên hông và bảo vệ động lực ở hông của bộ phận điều khiển; tuy rằng vấn đề mức độ nguy hiểm cho tổ lái trong trường hợp bị bắn trúng khoang nhiên liệu vẫn không giảm xuống.

Vấn đề khác của Т-90 là sự bố trí khối đạn dược của nó, cũng nằm trong bộ phận tác chiến và cũng không được cách ly với tổ lái, như thế sự kích nổ nó chắc chắn sẽ dẫn tới việc xe tăng T-90 bị tiêu diệt hoàn toàn[57]. Trên Т-90А vấn đề này đã được giải quyết phần nào nhờ vào các tấm che chắn bổ sung của hệ thống nạp đạn tự động và cách sắp xếp đạn dược bên ngoài nó, tuy nhiên vấn đề về độ an toàn cho tổ lái trong trường hợp sự kích nổ xảy ra vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Tuy vậy, độ hiệu quả của các biện pháp bảo vệ tổ lái được áp dụng trên các xe tăng phương Tây — đưa khối đạn dược vào khoang riêng (theo thông lệ vào phía sau tháp pháo) và được trang bị các tấm giảm nổ cũng bị nghi vấn. Chẳng hạn, các xe tăng M1 Abrams được bảo vệ theo kiểu này trong quá trình chiến đấu cũng đã bị tiêu diệt do sự kích nổ của khối đạn dược — mặc cho sự thoát hơi của các tấm giảm nổ, vụ nổ đủ để tiêu diệt xe tăng[58], mặc dù theo khẳng định của Hoa Kỳ, sơ đồ bố trí này đã thể hiện được độ tin cậy của mình[59].

T-90 đang lội nước trong một cuộc thử nghiệm tại Nga.

Đồng thời, theo ý kiến của một số tác giả, sự phân bố của khối đạn dược của T-72 và T-90 theo chiều nằm ngang trên sàn của khối tác chiến và trong khu vực ít bị bắn trúng hơn, và trong chiến trận trên thực tế xác suất khoang đạn của T-90 bị kích nổ thấp hơn nhiều khi so sánh với các mẫu xe tăng cũ hơn của Liên Xô là T-80, trong đó khối đạn dược cũng được bố trí trên sàn của khối tác chiến nhưng theo chiều đứng[60].

Theo một số ý kiến khác thì sự co gọn dung tích của hệ thống nạp đạn tự động khi so với nạp đạn cơ học đã làm tăng số lượng khối đạn dược không cơ giới hóa, được phân bố cao hơn hệ thống nạp đạn tự động và trong một loạt các trường hợp cao hơn tháp pháo, nhanh chóng nâng cao tính dễ bị tổn thương của khối đạn dược. Trên các xe tăng phương Tây, giải pháp tiêu chuẩn là sắp xếp khối đạn dược ở phía đuôi tháp pháo. Điều này khiến tháp pháo bị kéo dài, dễ bị bắn trúng hơn, nhưng cho phép thực hiện các tấm giảm nổ (giải pháp được sao chép trên các xe tăng hậu Xô viết Obyekt 291Obyekt 640). Tuy nhiên, khối đạn dược trong phiên bản T-90MS mới nhất đã được bố trí lại: ngoài 22 viên đạn chính nằm sẵn trong hệ thống tự động nạp đạn, số đạn dự trữ còn lại được đặt trong hộp đạn phụ chứa được 20 viên đạn nằm ngoài xe, đặt phía sau tháp pháo nhằm giảm khả năng bị kích nổ, và có thiết kế sao cho khi bị xạ kích thì sức nổ của khối đạn dược không ảnh hưởng quá nhiều đến thân xe và tháp pháo. Có điều, việc lấy đạn từ hộp đạn phụ phải được làm thủ công tại các điểm dừng chân trên chiến trường.[61]

Tính cơ động

Động cơ T-90.

T-90 có động cơ diesel đa nhiên liệu V-84MS 840 mã lực (618 kW) bốn thì V-12 piston, có thể chạy bằng nhiên liệu T-2, TS-1 kerosene và A-72 benzine. Động cơ này cho tỷ lệ sức mạnh trên trọng lượng chỉ đạt 18,06 mã lực/tấn, kém đáng kể so với loại T-80U và T-84 (xấp xỉ 26 mã lực/tấn). Về sau, T-90 và các mẫu T-72 mới được trang bị các động cơ mạnh hơn như V-92 950 mã lực và V-96 1100 mã lực, cuối cùng nâng tỷ lệ này lên 20,4 mã lực/tấn và 23,7 mã lực/tấn, mặc dù vẫn còn kém so với T-84. Tuy nhiên, do khối lượng thấp (47 tấn so với 61 tấn của M1 Abrams và 48 tấn của T-84), xe tăng T-90 vẫn đạt được tốc độ đáng kể, có thể ngang ngửa với "xe tăng bay" T-80 và T-84. Đồng thời trục lăn của T-90 rộng hơn T-72B nên nó chịu tải lớn hơn, và vòng sắt của T-90 có thể là loại xích hỗn hợp sắt-cao su hoặc xích sắt có khớp nối đều được[29].

Phiên bản T-90A trở về trước sử dụng hộp số gồm 7 số tiến và một số lùi giống như trên T-64T-72. Nó có nhược điểm là tốc độ lùi xe khá chậm, chỉ đạt 4–5 km/h. Phiên bản mới nhất T-90MS có động cơ diesel với công suất 1.130 mã lực với hộp số tự động kiểu mới. Tốc độ tối đa của T-90MS được nâng lên 72 cây số/giờ (trên đường nhựa), tốc độ lùi xe thì tăng lên tới 30 km/h. Tầm hoạt động đạt 550 km khi mang đầy nhiên liệu. T-90MS cũng sử dụng hệ thống treo và hệ thống truyền động được cải tiến với 6 cặp bánh xích có vành cao su cùng với một bánh răng truyền động ở sau cùng, bánh xe dẫn hướng ở trước và 3 bánh đỡ xích. Nửa trên của hệ thống bánh xe được bảo vệ bởi giáp phản ứng nổ.[61] Ngoài ra T-90MS cũng được trang bị một động cơ phụ, hoạt động khi động cơ chính được tắt nhằm giảm thiểu việc hao phí nhiên liệu, giảm lượng nhiệt phát ra để tránh bị "bắt" bởi các thiết bị nhìn hồng ngoại.

Các mẫu T-90 có thể lội sâu 5 mét khi lắp đặt hệ thống lội nước, việc lắp đặt chỉ mất 20 phút, đây là một ưu điểm của T-90 (để so sánh, M1 Abrams của Mỹ chỉ có thể lội nước sâu không quá 2 mét). Xe cũng có một thiết bị dạng lưỡi dao nhằm "neo" chiếc xe tại chỗ.[62]

Nhìn chung, T-90 có độ tin cậy cao về dễ sửa chữa, ưu điểm được kế thừa từ T-72. T-90 là chiếc xe tăng duy nhất đã hoàn toàn vượt qua các cuộc chạy thử trên địa hình sa mạc tại Ả-rập Xê-út mà không gặp sự cố. T-90 cũng là xe tăng duy nhất đã vượt qua được bài thử nghiệm về khả năng dã chiến ở Malaysia và Ấn Độ (tháo bỏ, sửa chữa, cài đặt lại động cơ chỉ trong 3 giờ trong điều kiện dã chiến), trong khi ba loại xe khác là Leclerc (Pháp), M1 Abrams (Mỹ), Leopard 2 (Đức) đã không vượt qua được.[63]

Đánh giá chung

Trước hết, cần phải lưu ý đến ý kiến của một số tác giả cho rằng những so sánh về lý thuyết của các loại xe tăng không phản ánh đầy đủ sự thành công của các xe tăng ấy nếu được đưa ra chiến trường. Thành bại của một trận đánh còn phải tính đến sự luyện tập và kỹ năng của kíp lái, chiến thuật của các chỉ huy quân sự, công tác bảo trì các trang thiết bị và sự tương tác, hiệp đồng giữa các quân binh chủng (nhất là công tác phòng ngự chống lại các máy bay cường kích và các trực thăng mang tên lửa chống tăng), tất cả những điều này quan trọng hơn rất nhiều so với những thông số kỹ thuật của chính chiếc xe tăng đó. Như đã thấy trong các cuộc chiến tranh, cùng sử dụng một chiếc xe tăng nhưng một kíp lái có kỹ năng cao và kỷ luật tốt có thể phát huy sức mạnh của nó lên gấp nhiều lần so với một kíp lái kém và vô kỷ luật.

Theo phía Nga thì T-90A có nhiều đặc điểm ưu việt về hỏa lực, độ cơ động và độ tin cậy. Cho tới hiện nay đã có nhiều bài viết so sánh giữa T-90 và xe tăng của các nước khác, và các đánh giá này thường là trái chiều nhau. Một mặt, một số ý kiến cho rằng các mẫu T-90A, S, M và các phiên bản nâng cấp khác đủ mạnh để vượt qua các xe tăng hiện đại nhất của các nước khác.[64][65]. Mặt khác, một số ý kiến cho rằng T-90 đã lạc hậu hơn so với các phiên bản tối tân và mạnh nhất của xe tăng các nước khác.[66][67].

Một trong những đặc điểm nổi bật của T-90 so với các xe tăng hiện đại khác là hệ thống nạp đạn tự động. Việc tích hợp hệ thống này giúp cho kíp lái giảm xuống từ 4 còn 3 người (bớt đi binh sĩ nạp đạn), значительно снизить забронированный объём при сохранении хорошей защищенности, và tăng tốc độ bắn (so với nạp đạn bằng tay). Đồng thời xe tăng cũng có kích thước và khối lượng nhỏ gọn, đảm bảo tính cơ động chiến lược cao cũng như ít bị phát hiện trên chiến trường.

Một đặc điểm quan trọng của T-90 đó chính là sự thành công về mặt thương mại của T-90S[68] - aтак как заказчики перед выбором боевых машин, как правило, проводят независимые многосторонние и тщательные их испытания. Tuy nhiên cũng cần phải tính đến việc chọn lựa đối tác mua hàng có thể có lý do về chính trị thay vì về chất lượng của sản phẩm.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: T-90 http://www.china.org.cn/top10/2012-08/14/content_2... http://www.antaranews.com/en/news/79885/russia-to-... http://www.armyrecognition.com/idex_2013_news_cove... http://www.armyrecognition.com/russia_russian_army... http://www.armyrecognition.com/september_2013_defe... http://www.bharat-rakshak.com/LAND-FORCES/Army/Ima... http://trishulgroup.blogspot.com/2009/01/indias-bo... http://www.business-standard.com/india/news/army-s... http://www.datviet.com/khoanh-khac-xe-tang-m1-my-t... http://daubao.com/lua-thu-vang-khong-nga-quy-o-chi...